Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhấn mạnh “Việc đảm bảo gỗ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp là một trong những giải pháp quan trọng trong chính sách phát triển ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam, trong đó gỗ nhập khẩu đã bổ sung nguồn nguyên liệu, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu gỗ. Các bộ luật của Việt Nam về giải quyết vấn đề này đã đạt được bước tiến mới. Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được ký kết, là những minh chứng thuyết phục cho sự nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam. Căm-pu-chia là một trong số các nước cung cấp gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ hai nước đều ban hành các quy định pháp luật và chính sách mới nhằm chống khai thác và thương mại gỗ trái phép, thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Do vậy, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Căm-pu-chia và các địa phương có cửa khẩu giao thương giữa hai bên còn lúng túng trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật và thực thi các quy định này. Chính vì vậy, buổi đối thoại ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng không những chỉ cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội gỗ của cả hai bên khi cả hai bên đều được cập nhật thông tin mới nhất và chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trên thực tế. Cuộc đối thoại này cũng góp phần chia sẻ những bài học kinh nghiệm và kế hoạch hành động nhằm giải quyết những thách thức, khó khăn đặt ra giữa hai nước về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ”.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Chan Ponika, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Căm-pu-chia đã trân trọng cảm ơn Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức đối thoại chính sách và sự đón tiếp trọng thị của đoàn Việt Nam dành cho đoàn Căm-pu-chia. Ông khẳng định: “Chính phủ Vương quốc Căm-pu-chia cũng như Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân thông qua việc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và thương mại gỗ hợp pháp và bền vững. Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến khai thác gỗ bất hợp pháp, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học được các quốc gia đặc biệt quan tâm”. Ông Chan Ponika cũng nhấn mạnh nhiều quốc gia nhập khẩu đã thiết lập các quy định và yêu cầu kỹ thuật về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ. Những yêu cầu đó có thể là những rào cản, tạo ra tính phức tạp, tăng chi phí và khó khăn trong việc tuân thủ. Ông Chan Ponika hy vọng đối thoại này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ, tăng cường thương mại gỗ và lâm sản ngoài gỗ có nguồn gốc hợp pháp giữa hai quốc gia. Căm-pu-chia ủng hộ mạnh mẽ việc tổ chức đối thoại đồng thời kêu gọi ngành lâm nghiệp và các ngành liên quan khác như thương mại, tài chính, hải quan và khối tư nhân tham gia tích cực vào diễn đàn này”.
Buổi đối thoại đã diễn ra trong không khí cởi mở và thân thiện, hai bên đã trình bày và trao đổi về: Tổng quan về tình hình chế biến và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam và Căm-pu-chia; Các quy định về gỗ hợp pháp trong chuỗi cung bao gồm khai thác, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu; Quy định thủ tục Hải quan về kiểm soát xuất, nhập khẩu gỗ qua đường biên giới của hai bên; và Các biện pháp để tăng cường kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp qua đường biên giới.
Ngày thứ hai của buổi đối thoại, 23/10/2018, các đại biểu sẽ đi thăm hoạt động xuất nhập khẩu gỗ tại Cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh giáp với cửa khẩu Trapeang Phlong, Căm-pu-chia để tìm hiểu thủ tục thông quan lô hàng nhập khẩu gỗ từ Căm-pu-chia sang Việt Nam./.