Theo biên bản do đoàn kiểm tra lập ghi rõ, tại thời điểm kiểm tra cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận sức khoẻ định kỳ, hồ sơ năng lực của các nhà cung cấp, hồ sơ chứng minh nguồn gốc thực phẩm thịt, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y... Khu vực sơ chế chưa đảm bảo, chưa tách biệt với khu sinh hoạt… Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý tiêu huỷ số lượng thịt tại cơ sở (không rõ nguồn gốc); yêu cầu khắc phục trong thời gian 14 ngày kể từ ngày kiểm tra; tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của cơ sở đến khi có báo cáo khắc phục gửi về đoàn kiểm tra; giao cho UBND phường giám sát quá trình khắc phục của cơ sở.
Tuy nhiên, việc “bắt quả tang” nêu trên thực chất chỉ là phần nhỏ trong “tảng băng” thực phẩm bẩn mà phóng viên tìm hiểu được.
Cơ sở Hải Ánh là một trong những đầu mối cung cấp thực phẩm có tiếng cho các trường mầm non uy tín trên địa bàn Hà Nội từ nhiều năm nay. Khi chúng tôi tiếp cận qua điện thoại với tư cách là người đặt hàng, chủ cơ sở - bà Phạm Thị Thu Ánh tỏ ra khá cởi mở. Chúng tôi được người chủ cơ sở này hẹn gặp tại nhà riêng ở số 28 Trần Xuân Soạn.
Bà Ánh giới thiệu về chất lượng của cơ sở mình “giao hàng tươi nên nó sẽ rất đắt”. Tham khảo một số mặt hàng ở đây đều có giá khá “chát” như tôm bóc nõn giá 450.000 đồng/kg, cá quả lọc có giá 240.000 đồng/kg, cá ba sa hơn 100.000 đồng/kg…
Theo bà, muốn lấy hàng từ đầu mối này thì giá cả sẽ cao so với mặt bằng chung và không dành cho những trường có mức học phí thấp. Cũng từ đây, hàng loạt trường mầm non danh tiếng hiện đang nhập thực phẩm đã được người chủ cơ sở này tiết lộ nhằm củng cố thêm niềm tin về hàng hoá “chất lượng” của mình.
Tuy nhiên, điều lạ là sau nhiều đêm theo dõi kiốt Hải Ánh ở Trung Văn trong khung thời gian từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, chúng tôi tuyệt nhiên không hề thấy cơ sở này có bất cứ hoạt động giết mổ hay chế biến. Vậy việc chế biến của cơ sở này ở đâu?
Chế biến ngay tại chợ!
Bà Ánh đã cung cấp cho chúng tôi giấy tờ liên quan, được cơ quan chức năng cấp phép như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Bán thịt và các sản phẩm từ thịt, bán thuỷ sản, đồ khô, nước uống, bánh kẹo, đường sữa, hoa quả, rau củ quả, dịch vụ ăn uống; giấy chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm” về lĩnh vực “chế biến sản phẩm tươi sống” và đều có địa chỉ rõ ràng tại kiốt số 2, chợ Trung Văn, do Phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm cấp năm 2014. Tuy nhiên người chủ cơ sở lần này khẳng định: “Cơ sở bên Trung Văn đã bỏ không từ lâu thấy nó phí nên mới cho thuê lại”.
Xác minh của nhóm phóng viên, đúng là kiốt này đang được cho thuê lại để kinh doanh đồ điện tử. Những người dân sinh sống gần đó cho biết địa điểm này lập ra chỉ để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Khi được báo trước nơi bán hàng điện tử này chỉ trong chốc lát sẽ biến thành cơ sở chế biến thực phẩm sạch Hải Ánh với đầy đủ tủ bảo quản, một vài sản phẩm thịt, cua, cá… Đủ điều kiện hoạt động theo giấy tờ cấp phép và cung cấp cho các trường học. Thực chất việc chế biến thực phẩm diễn ra ở một nơi khác, nằm ở khu thuỷ hải sản phía cuối chợ Long Biên. Tuy nhiên, kiốt này không có biển hiệu, khoảng trong thời gian từ 2-3 giờ sáng bà Ánh mới xuất hiện tại chợ cùng những người làm của mình. Qua nhiều đêm tìm hiểu, nguồn hàng được chính tay bà Ánh đi nhặt trong chợ về chế biến, cung cấp cho các trường mầm non.
|
Biên bản kiểm tra cơ sở Hải Ánh. Ảnh: Thanh Hùng - Doãn Kiên |
Theo quan sát của phóng viên thì nơi chế biến thực phẩm ngay trên mặt sàn kiốt. Theo quy định về VSATTP thì tất cả các công đoạn trong quá trình chế biến thực phẩm của bà Ánh không một công đoạn nào đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, kể cả bằng mắt thường. Nơi chế biến diễn ra ngay tại khu vực có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối của cống rãnh, cá mực rã đông xộc thẳng vào mũi tạo cảm giác muốn nôn oẹ. Mặt sàn kiốt màu đen ngòm, thậm chí cá chế biến được để ngay dưới đường, có nước thải chảy qua. Người làm vô tư đi cả ủng của mình qua cá đang sơ chế nằm lăn lóc dưới sàn.
Bà Ánh vô tình tiết lộ khi trò chuyện với chúng tôi: “Tại sao tất cả những người làm hàng bàn tay của người ta bị lở loét hết cả ra… Không phải do ngâm nước nhiều mà người ta làm các hoá chất, em thấy là ở các đồ hoá chất ăn hết cả móng tay, móng chân. Chị nói thẳng 10 người ở chợ thì cả 10 bị hóa chất ăn lở loét hết tay, nó ăn cụt hết cả tay… nhìn có kinh không”.
Công việc chế biến thường hoàn thành vào lúc 6h30 sáng, 2 người làm bắt đầu xếp hàng lên xe máy để đi giao cho các trường, xuất phát từ chợ Long Biên đến Trần Quốc Toản, qua Hàng Đậu, Hàng Bột, Nguyễn Thị Định để giao cho các điểm trường. Toàn bộ quá trình giao hàng đã được phóng viên ghi hình đầy đủ, kèm với đó là các hợp đồng cung cấp thực phẩm được ký kết giữa cơ sở Hải Ánh và các trường