THQTC 04/01/2017
Việc phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư địa phương.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, thu hút được 3.000 lượt khách du lịch quốc tế, 81.000 lượt khách du lịch nội địa và lần lượt tăng vào năm 2025 là 7.700 lượt, hơn 240.000 lượt khách du lịch nội địa... Để "chạm" mốc này, đến năm 2025, Thanh Hóa phấn đấu các tuyến sông không còn tình trạng khai thác cát trái phép; không đổ nước và rác chưa xử lí ra sông; 100% tàu thuyền tham gia vận chuyển khách du lịch đảm bảo các tiêu chuẩn.
Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2025, du lịch đường sông sẽ trở thành một trong những loại hình du lịch trọng điểm, có thương hiệu, mang đậm sắc thái văn hóa xứ Thanh; có hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng đảm bảo; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2035 đạt khoảng 818 tỷ đồng...
Giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư tuyến du lịch sông Mã, đoạn từ Cửa Hới (Thị xã Sầm Sơn) đến thắng tích động Tiên Sơn – Kim Sơn (Vĩnh Lộc). Trước đó, trong Năm Du lịch Quốc gia 2015, tỉnh Thanh Hóa đã đưa tuyến du lịch đường sông đầu tiên của tỉnh mang tên "Ngược xuôi sông Mã" vào hoạt động. Tuyến du lịch này được kết hợp giữa các tài nguyên tự nhiên (như thắng cảnh Hàm Rồng, sông Mã) với tài nguyên nhân văn (là các di tích lịch sử ven sông và điệu hò sông Mã).
Việc mở tour du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới tới du khách mà còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh du lịch; mở ra cơ hội đầu tư khai thác, phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông Thanh Hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách và phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của tỉnh./.
TTXVN