Thực phẩm bẩn và lời cảnh tỉnh của nguyên PGĐ Bệnh viện K

THQTC 20/4/2016

Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa

       PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương đã có buổi trao đổi với phóng viên Infonet về tác hại của thực phẩm bẩn với bệnh ung thư.

Thưa PGS Hiển, là một trong những chuyên gia đầu ngành về bệnh ung thư, từng chứng kiến hàng vạn bệnh nhân bị ung thư vật lộn với thần chết, ông có thể cho biết về bức tranh bệnh ung thư tại nước ta trong những năm qua không?

PGS Phạm Duy Hiển: Những năm 1970, khi ấy tôi mới bước chân vào bệnh viện K trung ương làm việc. Thời điểm đó, bệnh viện “vắng vẻ”, số bệnh nhân thực sự ít. Chỉ 20 năm gần đây, bệnh ung thư thực sự đáng lo ngại. 

Tại Việt Nam từ đầu những năm 90 thế kỷ trước chúng tôi đã bắt đầu quan tâm và ghi nhận bệnh ung thư và nhận thấy từ đó đến nay bệnh nhân ung thư liên tục gia tăng.

Những bệnh ung thư gặp nhiều ở Việt Nam đó là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng... ở nam giới; ung thư vú, cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan... ở nữ giới và con số này càng ngày càng tăng. 

 

Điều đáng lo ngại nhất đó là bệnh nhân đến khám thường đã ở giai đoạn muộn. Vì thế tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi ở nước ta vẫn còn thấp so với các nước phát triển.

Thưa ông, thời gian gần đây dư luận thực sự quan tâm đến vấn đề thực phẩm bẩn. Xin ông cho biết bệnh ung thư và thực phẩm có mối liên quan nào không?

Vấn đề này đang rất nóng trong dư luận và tôi nghĩ mình không được làm nguội nó đi vì nếu không người ta sẽ quên nó. Bệnh ung thư cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân thực sự mà đa số chỉ tìm thấy các yếu tố nguy cơ. 

Trên 80% các yếu tố nguy cơ đó bắt nguồn từ môi trường sống. Các yếu tố nguy cơ đó xâm nhập vào cơ thể qua đường nước uống, không khí thở, qua đường tiếp xúc như ánh sáng, tia phóng xạ... 

Thực phẩm bẩn không khẳng định được là nguyên nhân gây ung thư nhưng nó là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh này đã được người ta cảnh báo. Các yếu tố nguy cơ khi đồng thời xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng có thể kích hoạt lẫn nhau và gây bệnh nhanh hơn, nặng hơn. Tại Việt Nam, những người buôn bán thực phẩm bẩn thực sự là kẻ gây tội ác vì ung thư không đến ngay mà nó sẽ đến sau 10 năm, 15 năm nữa. 

Tôi nghĩ lẽ ra chúng ta phải cảnh báo thực phẩm bẩn từ lâu rồi vì nếu không đời con, cháu chúng ta sẽ không biết mắc những bệnh gì nữa. Nếu 5 năm mình còn thấy, còn đợi kết quả được, chứ 15 năm sau thì...

Gần đây, người dân Việt Nam lo lắng nhất trong cơn bão Sabutamol - chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn. Thịt lợn là loại thực phẩm phổ biến của người dân Việt Nam. Nỗi lo ung thư từ sabutamol chưa lúc nào kinh khủng như hiện nay. Theo ông tác hại thực sự của chất cấm này là gì?

Sabutamol là loại thuốc độc bảng "B". Thuốc dùng chủ yếu trong nội khoa hô hấp. Thuốc làm dãn cơ trơn (dãn phế quản- trong hen phế quản hay bệnh viêm phổi tắc nghẽn, cơ tử cung) và dãn cả cơ vân (gây run cơ, liều cao gây rung giật cơ, nếu kéo dài gây bại cơ không đi lại được, liệt cơ hô hấp và tử vong. 

Tác dụng phụ cấp tính nặng nhất khi quá liều là gây nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, suy tim. Trên thực nghiệm Sabutamol gây khối u trên súc vật. Sabutamol tăng li giải mỡ để tổng hợp chất đạm (chuyển mỡ thành đạm - hay thịt nạc), tăng cường tổng hợp protit (thịt nạc). Vì vậy Sabutamol được gọi là chất "tạo nạc". 

Nhưng "cái nạc" đó không có khả năng co cơ được như "cơ tự nhiên" mà chỉ dùng giật cơ do con lợn bị rối loạn co cơ nên chỉ nằm một chỗ, không đi lại được. Người ta nuôi lợn có dùng chất "tạo nạc" chỉ kéo dài tối đa 10-15 ngày là họ phải bán nếu không con lợn sẽ chết. 

Chất Sabutamol trong thịt lợn được người ăn hấp thu "triệt để" như uống hay tiêm vậy. Khả năng gây quái thai của Sabutamol đang nghiên cứu nhưng đã gây khối u trên thực nghiệm. Chính vì thế, Sabutamol là một trong 18 chất cấm đầu tiên. 

Còn salbutamol với ung thư thì người ta chưa có câu trả lời cuối cùng vì không thể thử nghiệm được trên người. Nhưng bình thường ta ăn thịt có chứa chất độc hại vào cơ thể nó không sinh bệnh ung thư ngay và phải 10 năm đến 15 năm sau mới thấy được. Như thế thì nguy hiểm lắm. Chất này cũng đã bị cấm ở Việt Nam.

Tôi ngạc nhiên, thế giới cấm thì chúng ta phải cấm, cấm triệt để, mình đi sau về khoa học cơ bản thì mình phải ứng dụng cho đúng. Nhiều chất như chất nhuộm màu công nghiệp, chất tẩy rửa công nghiệp, thuốc trừ sâu diệt cỏ, kích thích tăng trưởng, chất bảo quản thực phẩm, kháng sinh... đã được cấm ở nhiều quốc gia nhưng ở ta vẫn dùng tràn lan ở nhiều địa phương. Lẽ nào nhà nước đã cấm mà họ không biết? 

Tôi e là những vụ phát hiện được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi. Có lẽ cần phải có chế tài mạnh hơn nữa vì phải coi là họ kiếm tiền trên việc đầu độc đồng loại, dân tộc, vi phạm pháp luật.

Xin cảm ơn PGS!

Theo Phương Thúy (Infonet)