Rau an toàn, bài toán khó đã có lời giải.

THQTC 10/11/2016

Rau là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay khi lương thực và các thức ăn giàu đạm đã được đảm bảo thì nhu cầu về rau đảm bảo chất lượng ATTP đã trở nên cần thiết với người tiêu dùng.

Tuy nhiên thực tế sản xuất rau trên cả nước chủ yếu là hình thức sản xuất hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, tình trạng lạm dụng, tuỳ tiện trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV, nước tưới xảy ra khá phổ biến, dẫn đến chất lượng rau tiêu thụ trên thị trường chưa đảm bảo. Thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuât, kinh doanh Rau an toàn tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao, do năng lực trong tổ chức kinh doanh, tìm kiếm thị trường của các đơn vị (chủ yếu là các hợp tác xã dịch vụ theo mô hình cũ) còn yếu, chưa tìm được thị trường lớn và ổn định; các sản phẩm không qua kiểm soát chất lượng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường, đã tạo áp lực không nhỏ đến cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm an toàn. Nên hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau an toàn hoạt động cầm chừng, hoặc chỉ cung cấp cho một số đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu cao.

Để giải quyết các vấn đề trên, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2013-2015 (Quyết định số 618/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 2 năm 2013). Theo đó các đơn vị sản xuất được giao diện tích cho các mỗi vùng từ 02- 03 ha trở lên (tùy theo đơn vị là đồng bằng hay miền núi), được tỉnh hỗ trợ kinh phí về xây dựng cơ sở hạ tầng (đường điện, hệ thống tưới tiêu, hệ thống thu gom xử lý rác thải, nhà sơ chế...) phục vụ cho vùng sản xuất, kinh phí xây dựng các quầy hàng giới thiệu sản phẩm, chi phí đánh giá chứng nhận VietGAP, chi phí kiểm soát chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm....

Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa

 

Mô hình sản xuất rau an toàn tập trung xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương

Sau 3 năm thực hiện, đã có 38 đơn vị sản xuất duy trì hoạt động với diện tích 140,6ha được chứng nhận VietGAP, lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường đa dạng, ổn định. Sản phẩm rau an toàn dần chiếm được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng quan tâm, sử dụng, chính sách đã tạo ra chuyển biến đáng kể trong nhận thức đúng về các quy định cũng như lợi ích khi áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của người sản xuất; từng bước thay đổi thói quen, tập quán canh tác; đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người dân tham gia sản xuất rau an toàn.

Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa

 

Cây cà chua trồng trong nhà lưới công nghệ cao tại Thọ Xuân

Nối tiếp những kết quả đạt được trong giai đoạn 2013 - 2015, ngày 31 tháng 12 năm 2015 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 trong đó tiếp tục gia hạn cơ chế, chính sách đối với các đơn vị sản xuất rau an toàn từ 2016 đến 2020. Với những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện giai đoạn 2013 - 2015 công tác xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, hiệu quả hơn, cùng với sự quyết tâm hoàn thành xuất sắc kế hoạch đặt ra, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp “an toàn – bền vững” , giải quyết bài toán thực phẩm an toàn, trong đó có rau an toàn trên địa bản tỉnh trong một tương lai không xa. 

Hoàng Hiệp. TTKN&CNCL