Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do dư lượng của các hóa chất nông nghiệp tồn dư trong rau quả

THQTC 08/11/2016

Tác hại của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm và phân bón lá trong các loại rau quả
Các hợp chất của thuốc bảo vệ thực vật chứa nguyên tố Clo (như monito, DDT, 2,4 D...) và các loại thuốc nhập lậu của Trung Quốc đã bị cấm sử dụng do chứa hàm lượng độc tố cao, bền vững trong môi trường ( có những loại hợp chất phải trên 15 năm mới bị phân huỷ hết trong điều kiện tự nhiên), nhưng chúng lại có tác dụng diệt trừ sâu hại, tiêu diệt các loại vi khuẩn, nấm gây bệnh trên cây trồng nên những loại thuốc này vẫn được nông dân dùng phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại...trên các loại rau quả được tiêu dùng hàng ngày ở nhiều vùng trong cả nước. Nhóm thuốc bảo vệ thực vật có chứa Clo khi phun cho rau quả chúng sẽ tạo thành hợp chất Perexit rất độc hại cho người sử dụng vì nó không có mùi, không vị nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, các hợp chất thuốc bảo vệ thực vật có chứa phospho ( hợp chất lân hữu cơ) rất độc hại với hệ thần kinh và cơ quan nội tạng của động vật và con người. Khi ăn phải các loại rau quả có chứa các hoá chất độc hại này thì cơ thể con người không có khả năng đào thải ra ngoài qua đường tiêu hoá mà các hoá chất này sẽ được tích luỹ dần trong các mô mỡ, gan và tuỷ sống..gây lên nhiều bệnh tật nguy hiểm trên con người như đãng trí, giảm thị lực và sức đề kháng...Các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại không chỉ được người nông dân phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại... trên rau quả mà còn được dùng trong bảo quản, lưu trữ rau quả khi vận chuyển nhằm tránh bị thối...Những hoá chất này khi tích luỹ trong cơ thể đến một liều lượng nhất định có thể gây đột biến gen ở một số bộ phận trong cơ thể con người làm cho một số tế bào phát triển bất thường, đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh ung thư.
Chính vì các loại hoá chất bảo vệ thực vật gây độc hại tới sức khoẻ con nguời nên Bộ NN- PTNT đã ban hành Danh mục "Qui định các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau quả". Nhưng trong thực tế hiện nay ở nhiều địa phương vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm để phun trừ sâu, bệnh, cỏ dại và bảo quản rau quả không đúng qui định đã dẫn đến hàm lượng các hoá chất độc hại tồn dư quá lớn so với qui định trên các loại rau quả thiết yếu hàng ngày. Nhưng công tác kiểm tra, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại rau quả lại chưa được tiến hành thường xuyên và cho tới thời điểm hiện nay chưa thể kiểm soát nổi. Vì vậy, các loại rau quả nhiễm các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại vẫn tràn lan trên thị trường gây hậu quả khôn lường tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngoài các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (nhất là đạm vô cơ) và các chất kích thích sinh trưởng được người trồng rau sử dụng bón với liều lượng vượt quá qui định nhằm làm tăng độ hấp dẫn của các loại rau đối với người tiêu dùng và không đảm bảo thời gian cách ly trược khi thu hoạch. Quá trình sử dụng phân bón như vậy đã để lại dư lượng đạm vô cơ vượt quá mức qui định trên các loại rau quả, nhất là đối với nhóm rau ăn lá. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc đạm nitorat đối với người tiêu dùng.
Để nhận biết các loại rau quả nhiễm các hoá chất độc hại bằng mắt thường thì chỉ có những người có chuyên môn sâu về ngành bảo vệ thực vật và các nhà dinh dưỡng có kinh nghiệm mới có thể nhận biết bằng cảm quan các loại rau quả nhiễm một số hoá chất độc hại. Ví dụ như rau quá xanh hoặc xanh đen là rau nhiễm độc đạm nitorat (NO3), giá đỗ có mầm to mập, không rễ là do dùng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng để ngâm ủ...Riêng các loại hoá chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ...), hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh thì phải qua phân tích bằng các thiết bị kỹ thuật hiện đại mới phát hiện được.

Giá đỗ được xử lý bằng hóa chất độc hại trước khi ngâm ủ có thân trắng, to, mập, giòn và không có rễ
Biện pháp hạn chế ngộ độc thực phẩm do các hóa chất nông nghiệp tồn dư trong rau quả
Để hạn chế tác hại của các loại hoá chất nông nghiêp độc hại tồn dư trong rau quả thì người tiêu dùng cần tuân thủ các yêu cầu sau:
- Chỉ nên mua rau quả ở những nơi bán có uy tín, rau quả phải còn tươi ngon, không bị dập lát hư thối. Khi tiêu dùng, sau khi lại bỏ rễ và lá vàng úa cần ngâm rau quả trong nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím 1%, nước rửa rau quả trong vòng 25- 30 phút sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Khi sào nấu nên mở vung cho các loại hoá chất bảo vệ thực vật bay bớt ra ngoài vì đa số các loại thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc trừ cỏ... bị phân huỷ một phần ở nhiệt độ cao.
- Nên nấu kỹ rau quả nhằm tăng độ an toàn. Đối với các loại rau gia vị và rau sống (xà lách, mùi, tía tô...) cần rửa kỹ và ngâm trong nước muối loãng trong vòng 30- 40 phút. Chú ý không nên ngâm quá lâu vì các chất vitamin và các chất dinh dưỡng có thể thẩm thấu qua màng tế bào tan vào trong nước.
- Hạn chế và không nên sử dụng các loại rau quả trái mùa, hạn chế mua các loại rau quả có bề mặt bóng mượt, các loại quả trái mùa có cuống còn tươi vì đó là các loại rau quả không an toàn do sử dụng các hoá chất độc hại để bảo quản hoặc dùng các hoá chất bảo vệ thực vật có độ độc cao để phòng trừ sâu bệnh. Cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hoá chất độc hại.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng tránh ngộ độc thực phẩm qua nguồn rau quả, cần đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại lý và các cửa hàng phân phối cũng như sự vào cuộc của người tiêu dùng và của toàn xã hội.
mard.gov.vn