Vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn ra tràn lan, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng là nhận định của cơ quan quản lý và các chuyên gia tại hội thảo.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, đầu tư hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Để khắc phục tình trạng mất an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp xác định an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, với quan điểm “Xây phải đi đôi với chống”.
Ông Nguyễn Như Tiệp, cũng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ hướng dẫn, vận động, hỗ trợ hộ, cơ sở sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn, liên kết với các kênh phân phối thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đồng thời, rà soát và đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; ban hành bổ sung các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tạo điều kiện cho người dân nhận biết, ủng hộ tiêu dùng sản phẩn an toàn và người sản xuất, kinh doanh có thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế trong kiểm soát ngăn chặn sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, phối hợp với Bộ Công Thương trong kiểm soát, ngăn chặn lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất kinh doanh nông sản an toàn.
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, giám sát trên diện rộng, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm sallbutamol là 0,42%; mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng 3,98%; mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%./.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù khung pháp lý và chính sách quản lý an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ, hài hòa với quy chuẩn, thông lệ quốc tế. Tuy nhiên nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn còn chưa thực sự hiệu quả. Một số quy định kỹ thuật chưa được rà soát kịp thời để sửa đổi bổ sung với thực tế sản xuất nên trên thực tế vẫn còn tình trạng nhiều loại hóa chất trong công nghiệp cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn được các doanh nghiệp lén lút sử dụng; tình trạng lạm dụng kháng sinh cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng….
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, p hải có chiến lược về vệ sinh an toàn thực phẩm dài hơi, từ có cơ chế chính sách miễn giảm thuế, phí để khuyến khích động viên sản xuất theo các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời thiết lập chuỗi phân phối khép kín để quản lý từ đầu vào và đầu ra, và quản lý hệ thống phân phối, thu mua nông sản cho nông dân thông qua doanh nghiệp để người dân ngày càng tiếp cận hơn với thực phẩm an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn tới tay người tiêu dùng, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tham vấn cho Chính phủ hoàn thiện chính sách, khuyến khích người sản xuất những sản phẩm an toàn, xây dựng mô hình hướng dẫn kỹ thuật để có sản phẩm an toàn.
Cùng với đó, hình thành hệ thống chợ đầu mối nông sản an toàn để cung cấp các mặt hàng nông sản cho siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện ích, lúc đó, người dân trên cả nước sẽ hết mối lo nông sản, thực phẩm “bẩn”. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm để sản phẩm sạch từng bước chiếm lĩnh thị trường.