Báo cáo tại Diễn đàn tập trung vào một số nội dung chính như: Hiện trạng chăn nuôi và giải pháp để khôi phục phát triển chăn nuôi sau rét đậm, rét hại ở các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc; Hoạt động khuyến nông trong công tác phòng chống đói rét cho trâu, bò và phát triển đàn gia súc địa phương; Phương pháp chế biến và bảo quản thức ăn thô cho gia súc; Giới thiệu kỹ thuật trồng và chế biến cây ngô làm thức ăn xanh cho gia súc; Khôi phục đồng cỏ sau rét đậm, rét hại và phát triển cây thức ăn cho gia súc ở các tỉnh phía Bắc; Giới thiệu một số giống cỏ trồng thành công phục vụ chăn nuôi gia súc ở miền núi phía Bắc; Giải pháp quản lý dịch bệnh cho gia súc ở các tỉnh phía Bắc; Kinh nghiệm phòng chống đói rét cho trâu bò tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Sơn La.
Theo Cục Chăn nuôi, từ ngày 22/1/2016 đến ngày 18/2/2016, tổng số gia súc thiệt hại do đói, rét ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ lên tới 23.555 con, trong đó gồm 10.392 con trâu, nghé; 4.950 con bò, bê và 8.213 các gia súc khác. Ước tổng thiệt hại gia súc trong vụ Đông Xuân 2015-2016 khoảng 369,72 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh, rét đậm, rét hại với cường độ mạnh và kéo dài ngày liên tục nên ở các tỉnh miền Bắc đã xảy ra rét hại trên diện rộng, toàn khu vực xuất hiện mưa trên diện rộng, nhiều nơi đã xuất hiện băng giá và mưa tuyết. Trung tâm vùng rét tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La và diễn biến thời tiết bất thường, kéo dài đến cả các địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An. Mặc dù công tác chuẩn bị đã hết sức tích cực, chủ động song thời tiết diễn biến quá nhanh: Rét đậm, rét hại có cường độ rất mạnh được tăng cường liên tục trên diện rộng, nhiều nơi xuất hiện băng giá và mưa tuyết nên người chăn nuôi không đối phó kịp thời. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động phòng chống đói rét đã được triển khai mạnh mẽ song người chăn nuôi chưa thực hiện tốt, kịp thời.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ với thế mạnh về điều kiện tự nhiên chăn thả rất phù hợp để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt vào mùa rét khi nhiệt độ giảm sâu và thức ăn thô xanh khan hiếm. Do đó, khi triển khai các dự án Khuyến nông Trung ương trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc đã lồng ghép các nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền để giảm thiểu tác hại trong mùa đông rét cũng như nhanh chóng khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại. Các kết quả đạt được cho thấy hiệu quả nhất định và chuyển giao cho người chăn nuôi những bài học kinh nghiệm nhằm duy trì và nâng cao năng suất chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Tại Diễn đàn, Cục Chăn nuôi đưa ra những giải pháp nhằm khôi phục, phát triển chăn nuôi đàn gia súc sau đợt rét đậm, rét hại. Về giải pháp trước mắt, tận dụng mọi nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (rơm rạ, cây ngô, cây đậu, cây lạc khi thu hoạch….) làm thức ăn cho gia súc; Chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại các địa phương (ủ chua, xử lý rơm, thân cây ngô già …) làm thức ăn bổ sung; Chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc; Thực hiện tiêu độc khử trùng, phòng ngừa nguy cơ có thể bùng phát dịch; Thường xuyên kiểm tra, gia cố chuồng trại, tiến hành xây mới chuồng nuôi đảm bảo chống rét được cho gia súc cho gia súc trước mỗi vụ Đông - Xuân hàng năm và sau mỗi đợt rét đậm, rét hại; Củng cố, nâng cấp chuồng trại… Về giải pháp lâu dài, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng trồng cây thức ăn; Vận động thực hiện 3 không, 3 có trong chăn nuôi (3 không: không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không dấu dịch; 3 có: Có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi; có tiêm phòng cho gia súc); Có kế hoạch phục hồi chăn nuôi sau rét đậm, rét hại. Có phương án chủ động về con giống để sẵn sàng thay thế khi gia súc bị chết, tái sản xuất ngay sau khi thiệt hại do rét đậm, rét hại; Theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc kịp thời; Vận động người chăn nuôi không thả rông gia súc và cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 12 °C; Chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng chống bùng phát dịch bệnh; Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, gia súc đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y trước mỗi vụ Đông – Xuân; Hướng dẫn các biện pháp phòng, trị các bệnh đối với gia súc. Thực hiện các biện pháp thú y cần thiết về tiêm phòng, phòng dịch, điều trị kịp thời các bệnh, phòng trừ ký sinh trùng. Đảm bảo khống chế dịch bệnh trước, trong và sau mỗi đợt rét đậm, rét hại./