Công văn về việc tập trung phòng chống bão số 3 cho cây trồng vụ Hè Thu, Mùa 2016

THQTC 19/8/2016

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỤC TRỒNG TRỌT

________________

  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________________________

Số:     1629  /TT-CLT

V/v tập trung phòng chống bão số 3 cho cây trồng vụ Hè Thu, Mùa 2016

Hà Nội, ngày    18    tháng 8 năm 2016

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phía Bắc

 

          Hồi 04 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Tr. Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11. 
       Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 04 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13 và còn tiếp tục mạnh thêm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển ngoài khơi phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Khu vực Bắc biển Đông tiếp tục có mưa dông và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối nay (18/8) ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh - Nghệ An). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. 
          Để chủ động phòng, tránh, ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu vụ Hè thu, vụ Mùa 2016 và cây công nghiệp, cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc và đảm bảo có các phương án hạn chế tối đa tình trạng ngập úng gây thiệt hại cho sản xuất trồng trọt do ảnh hưởng của bão số 3; Cục Trồng trọt đề nghị các Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo các công việc sau:

1. Khẩn trương chỉ đạo các địa phương thoát kiệt nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, các cống đầu khâu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng;

2. Lập phương án ứng phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét, tiêu úng, thoát nước cho diện tích lúa nguy cơ bị ngập úng; huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống để cứu lúa vùng bị ngập;

3. Với vùng trồng rau màu khuyến cáo nông dân vét sâu các rãnh luống, đào sâu cácđầu luống để thoát nước nhanh, kịp thời khi bị ngập, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thối cây; đối với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn do bão số 1 và 2 cần chỉ đạo bà con nông dân tạm dừng gieo cấy trong thời điểm này; đồng thời chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau;

Chính phủ đã có quyết định cấp hỗ trợ  giống rau từ nguồn dự trữ hạt giống Quốc gia, đề nghị các địa phương có phương án phân chia và chủ động khôi phục sản xuất sau bão.

4. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: Chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn, đặc biệt đối với nhãn đã đủ tuổi thu hoạch; đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả để đề phòng bão lớn, lũ, ngập úng. Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại.

5. Đối với diện tích lúa, màu ít bị ảnh hưởng cần khuyến cáo các biện pháp chăm sóc kịp thời như bón thúc Kali cho diện tích lúa đứng cái, làm đòng, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng, phân qua lá cho lúa, màu ở vùng bị ảnh hưởng nhẹ. Sau bão, do tác động của gió giật, mưa lớn làm rách lá, tổn thương lá, bệnh bạc lá có nguy cơ lây lan, phát tán mạnh. Đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành và cán bộ kỹ thuật, khuyến nông tăng cường bám sát đồng ruộng, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại như bệnh bạc lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra;

6. Phân công cán bộ bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời, báo cáo nhanh tình tình  thiệt hại (nếu có) về Bộ NN&PTNT qua Cục Phòng chống thiên tai và Cục Trồng trọt để tổng hợp.

Trên đây là một số nhiệm vụ cấp bách cần tập trung chỉ đạo, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Bắc khẩn trương chỉ đạo các đợn vị thực hiện và báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và PTNT./.

 

Nơi nhận:                                                          

- Như trên;          

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);

- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (để b/c);

- Cục trưởng; các PCT (để b/c);

- TC Thủy lợi; Cục BVTV (để p/h);

- Báo NNVN (đưa tin);

- Lưu VT, CLT, CCN.          

 

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

 

 

(đã ký)

 

 

Trần Xuân Định