Một số lượng lớn các loài thụ phấn trên toàn thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi các áp lực khác nhau, đe dọa hàng triệu sinh kế và hàng trăm tỷ đô la giá trị của nguồn cung cấp lương thực thực phẩm toàn cầu. Nghiên cứu được tiến hành trong hai năm này do Cơ quan liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) công bố cũng nhấn mạnh một số cách để bảo vệ hiệu quả các quần thể thụ phấn. Đánh giá này là một nỗ lực đột phá để hiểu rõ hơn và quản lý tốt hơn một yếu tố quan trọng của hệ sinh thái toàn cầu. IPBES được thành lập cách đây bốn năm với 124 quốc gia thành viên. Vera Lucia Imperatriz-Fonseca, Tiến sĩ, đồng chủ tịch của Công trình nghiên cứu đánh giá và Giáo sư cao cấp tại Đại học São Paulo cho biết: “Các loài thụ phấn đóng góp quan trọng vào sản xuất lương thực và an ninh dinh dưỡng thế giới. Hiện có hơn 20.000 loài ong hoang dã cộng với nhiều loài bướm, ruồi, ong bắp cày, bọ cánh cứng, chim, dơi và các động vật khác có đóng góp cho sự thụ phấn”. Các cây được thụ phấn bao gồm những cây ăn quả, rau, cây cho các loại hạt và dầu. Nhiều cây trong số này là nguồn thực phẩm quan trọng về vitamin và khoáng chất mà nếu không có chúng, những rủi ro suy dinh dưỡng dự kiến sẽ tăng. Một số loại cây trồng cũng tạo nên một nguồn thu nhập quan trọng ở các nước đang phát triển, ví dụ như cà phê và ca cao. Hơn ba phần tư các loại cây lương thực của thế giới dựa ít nhất một phần vào sự thụ phấn của côn trùng và động vật khác. Khoảng 235 – 577 tỷ USD giá trị lương thực thực phẩm toàn cầu hàng năm dựa trên sự đóng góp trực tiếp của các loài thụ phấn. Sản lượng nông nghiệp phụ thuộc vào sự thụ phấn từ các loài sinh vật đã tăng 300% trong suốt 50 năm qua. Gần 90% tất cả các thực vật có hoa hoang dã phụ thuộc ít nhất ở một mức độ nào đó về sự thụ phấn từ các loài động vật. Ngoài cây lương thực, các loài thụ phấn cho cây trồng góp phần cung cấp nhiên liệu sinh học (ví dụ như hạt cải và dầu cọ), sợi (ví dụ bông), thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc và các vật liệu xây dựng. Đánh giá cho thấy rằng, khoảng 16% các loài thụ phấn đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Sự suy giảm số lượng chủ yếu là do sự thay đổi trong sử dụng đất đai, nông nghiệp thâm canh và sử dụng thuốc trừ sâu, các loài ngoại lai xâm lấn, dịch bệnh và sâu bệnh, và biến đổi khí hậu. Sự suy giảm các loài thụ phấn hoang dã ở cấp độ khu vực đã được xác nhận tại Bắc Tây Âu và Bắc Mỹ. Đánh giá cho thấy rằng thuốc trừ sâu, bao gồm thuốc trừ sâu neonicotinoid, đe dọa các loài thụ phấn trên toàn thế giới, mặc dù những ảnh hưởng lâu dài vẫn chưa được biết đến. Một nghiên cứu tiên phong thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy rằng loại thuốc trừ sâu neonicotinoid đã có một tác động tiêu cực đến các loài ong hoang dã, nhưng tác động trên loài ong mật là chưa rõ ràng. Tin tốt là một số giải pháp có thể được thực hiện để giảm rủi ro cho các loài thụ phấn. Các biện pháp bảo vệ bao gồm việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp đa dạng hóa các cảnh quan nông nghiệp và sử dụng các quá trình sinh thái như là một phần của sản xuất lương thực.