Cá chết hàng loạt: Phải xử nghiêm!

THQTC 25/4/2016

Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến Hà Tĩnh kiểm tra tình hình khắc phục hiện tượng cá chết bất thường thời gian qua.

Nên thuê chuyên gia nước ngoài

Cùng đi với Phó Thủ tướng có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Võ Tuấn Nhân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra tại một số hộ nuôi lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản xã Kỳ Hà và hoạt động nuôi tôm ở Công ty Nuôi tôm công nghiệp Grobest ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh. Phó Thủ tướng chia sẻ thiệt hại với bà con ngư dân, động viên bà con không nên quá hoang mang mà bình tĩnh, lắng nghe các khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Làm việc với các bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ NN-PTNT, TN-MT phối hợp với 4 tỉnh có thiệt hại về thủy sản là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thống kê đầy đủ, chính xác số lượng cá và hải sản của các hộ dân, các cơ sở nuôi trồng bị chết để kịp thời hỗ trợ. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phải có trách nhiệm và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng các vụ việc liên quan đến môi trường để cùng phối hợp xử lý vụ việc.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc khắc phục hậu quả cá chết tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 24-4Ảnh: Thanh Hoa
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc khắc phục hậu quả cá chết tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 24-4Ảnh: Thanh Hoa

 

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm việc hết trách nhiệm, khẩn trương tìm ra nguyên nhân cá chết. “Trong trường hợp cần thiết có thể thuê chuyên gia nước ngoài hỗ trợ truy tìm nguyên nhân. Khi xác định được nguyên nhân thì không kể cá nhân hay tổ chức nào, nếu xả thải gây độc môi trường sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nghi hóa chất độc từ Formosa

Liên quan đến thông tin Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh) có đường ống xả thải ngầm chôn dưới lòng biển và được quan trắc tự động nhưng chưa kết nối và truyền số liệu về Sở TN-MT, một nguồn tin cho biết theo quy trình công nghệ của Formosa, trước khi vận hành có tiến hành súc rửa đường ống. Do đó, đoàn kiểm tra đã kiểm tra toàn bộ sổ sách, đối chiếu các nhà thầu và cho thấy công ty đã thu gom hết về hệ thống xử lý nước thải để xử lý.

“Chúng tôi cũng đã lấy mẫu để mang đi phân tích. Quan trắc cho thấy công ty làm đúng yêu cầu nhưng đánh giá cụ thể như thế nào về tính chính xác của hệ thống quan trắc này thì còn chờ kết quả phân tích. Nhiều khả năng kết quả sẽ có vào thứ tư tuần này” - nguồn tin xác nhận.

Về nghi vấn chất độc hại có thể được Formosa dùng để súc xả đường ống, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT) cho rằng phải chờ kết quả kiểm tra mới có thể kết luận được. Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, xác nhận bộ đang gấp rút kiểm tra việc này. Một cán bộ công tác tại Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết không loại trừ khả năng các chất gỉ, sét, dầu mỡ từ đường ống của Formosa xả ra môi trường, thông qua phản ứng hóa học “hút” hết ôxy của nước biển, dẫn đến nước biển không có dưỡng khí và cá chết.

 

Cần kiểm tra danh mục nhập hóa chất của Formosa

PGS-TS Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), khẳng định những loại hóa chất có tác dụng chống gỉ, loại bỏ gỉ, loại bỏ dầu, chất chống ăn mòn, chất làm sạch bề mặt kim loại… mà Formosa nhập về đều chứa kiềm, axít, chất hữu cơ, vì vậy đều là chất độc hại. “Danh mục hóa chất do Formosa nhập về có sẵn, chỉ cần cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp, sẽ khẳng định ngay nó độc mức nào” - ông Côn nhấn mạnh.

 

 
http://nld.com.vn/