THQTC 18/7/2016
“Gom” 39 Thông tư thành 1 Nghị định
Nghị định số 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Cụ thể, Nghị định trên quy định điều kiện kinh doanh liên quan tới các lĩnh vực: sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống cây trồng, điều kiện nuôi động vật rừng thông thường, điều kiện kinh doanh con giống vật nuôi, giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống thủy sản và khai thác thủy sản.
Ngoài ra, nghị định còn quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm (trồng trọt, thu hái, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản); cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm; chợ đầu mối nông sản; cơ sở buôn bán thực phẩm. Và điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực bảo vệ thực vật...
Nghị định đang nói được Bộ NN&PTNT xây dựng trên cơ sở rà soát 7 luật, 5 pháp lệnh, 17 nghị định có chứa đựng quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đã được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trước khi Nghị định được thông qua riêng Bộ này có tới 39 thông tư có quy định về các ĐKKD, với 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp. Theo tinh thần rà soát Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Nghị định mới có hiệu lực thi hành đã chính thức cắt giảm từ 99 ngành còn 35 ngành nghề còn điều kiện kinh doanh.
Vì sao vẫn giữ 35 ngành nghề?
Trao đổi với phóng viên PLVN về việc có hay không chuyện chuyển cơ học từ 39 thông tư lên thành 1 Nghị định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Ngay từ đầu đã xác định, báo cáo Bộ Tư Pháp và Bộ Kế hoạch Đầu tư là Bộ NN&PTNT không chuyển một cách cơ học các ĐKKD ở 39 thông tư lên thành một Nghị định mà chỉ quy định những điều kiện theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính.”
“Nghị định của chúng tôi có rất nhiều ngành nghề có ĐKKD nhưng chỉ dài 20 trang là những ĐKKD rất khả thi, cấp thiết phải giữ. Nếu như 39 thông tư mà đưa cơ học thì nghị định này dài vài trăm trang. Tư tưởng, quan điểm của Bộ từ đầu đến cuối là vậy.”- Thứ trưởng Tuấn khẳng định.
Vị lãnh đạo này còn cho biết, trong 35 ngành nghề có điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị với Chính phủ cho phép không quy định, bỏ bớt đi 3 ngành nghề có điều kiện kinh doanh gồm: kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; củi và than hồng; ngư lưới cụ trong đánh bắt thủy sản. Còn lại các điều kiện kinh doanh khác được quy định theo hướng giảm tối thiểu những thủ tục hành chính, chỉ tập trung cơ bản giữ những điều kiện căn bản để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chẳng hạn, theo ông Tuấn, Bộ NN&PTNT đã mất rất nhiều thời gian để xem xét các quy định về ĐKKD trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, nuôi trồng thủy sản. “Đây là những lĩnh vực phải cân nhắc rất kỹ bởi vì chúng ta dứt khoát phải giảm ĐKKD về thủ tục hành chính, tạo thông thoáng cho các doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tốt. Đây là lĩnh vực mất rất nhiều thời gian, thậm chí chúng tôi phải dành cả buổi để xem xét chỉ một điều kiện của một ngành nghề”- ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho hay, đối với những ngành nghề có ĐKKD tới đây còn phải tiếp tục rà soát để cắt giảm, tuy nhiên việc cắt giảm cũng cần phải tiên lượng được sự phù hợp với thực tiễn, nghĩa là tính khả thi và phải được doanh nghiệp ủng hộ theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/2014/2015/2016 - phải tạo môi trường thực sự bình đẳng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo Pháp luật VN