Sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết đang là xu hướng tất yếu trong 5 năm tới. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng hoàn thiện đi kèm bộ máy quản lý nhà nước. Dự báo đến năm 2020, nông, lâm, thủy sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đối với việc bảo đảm ATTP trong sản xuất kinh doanh nông sản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện đi kèm bộ máy quản lý nhà nước về ATTP, ngành sản xuất, kinh doanh nông sản (từ sản xuất/nhập khẩu, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông, phân phối nông sản bảo đảm an toàn) cũng có nhiều thay đổi.
Trong đó, có sự thay đổi quan trọng, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP được xác định theo hướng quản lý theo nhóm sản phẩm. Hệ thống tổ chức quản lý thực phẩm từ Trung ương tới tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen, muối và các nông sản thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ. Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ” – đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Trên cả nước đã triển khai được một số chương trình, dự án tiêu biểu hỗ trợ bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông sản như Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP giai đoạn 2012 – 2015; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh và ATTP ngành chăn nuôi (Lifsap).
Các kênh phân phối hiện đại tổ chức theo chuỗi hiện chiếm khoảng trên 25% lượng tiêu thụ nông sản tươi sống và đang phát triển mạnh cùng với sự ra đời của các cơ sở phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm chuyên doanh và các chương trình kết nối cung cầu do bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức. Dự báo đến 2020, nông lâm thủy sản an toàn phân phối tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước.